Mang thai có sự chuẩn bị sẽ mang hạnh phúc đến cho gia đình bạn.
Mỗi cặp vợ chồng đều muốn sinh ra đứa con khỏe mạnh, thông minh, đáng yêu. Những đứa con không chỉ để duy trì nòi giống mà còn là kỳ vọng của bố mẹ trong tương lai.
Để đón đứa con chào đời, trước tiên vợ chồng phải có kế hoạch cho việc thụ thai. Thụ thai vào lúc vợ chồng khỏe mạnh, tình cảm hạnh phúc nhất, khí hậu thích hợp, vật chất đầy đủ là điều kiện tốt nhất đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Tốt nhất trước khi chuẩn bị mang thai, phụ nữ nên đi kiểm tra sức khỏe 1 lần ở bệnh viện hoặc trung tâm tư vấn sinh đẻ kế hoạch. Đặc biệt đối với những cặp vợ chồng sau mấy năm kết hôn mới sinh con thì việc khám bệnh trước khi mang thai là rất cần thiết.
Kiểm tra sức khỏe và được tư vấn trước khi mang thai còn có thể khiến cho việc thụ thai được bảo đảm hoặc trong suốt thời gian mang thai bạn không phải lo lắng và còn có thể cung cấp cho bạn rất nhiều kiến thức để giữ gìn sức khỏe. Những điều này có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe của đứa con sau này.
Người phụ nữ mang thai cần phải có cơ thể khỏe mạnh
Sức khỏe của thai nhi có liên quan mật thiết với sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của bố mẹ. Đặc biệt là sức khỏe của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Trên thực tế, chế độ ăn uống bảo đảm cân bằng dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai là yếu tố quan trọng đối với việc hình thành và phát triển của bào thai trong tử cung, nhằm cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi. Cho nên, nếu bạn chuẩn bị mang thai cần phải ăn uống đầy đủ các loại chất dinh dưỡng.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai chú ý nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng có thể làm nâng cao chất lượng của tế bào sinh sản. Khi bạn biết chính xác là đã thụ thai mới tăng dinh dưỡng thì trên thực tế đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thai nhi trong thời gian đầu rồi. Nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng trước khi mang thai là 1 trong những biện pháp quan trọng nhất để thai nhi khỏe mạnh.
Ngoài chế độ ăn uống ra, bạn còn cần phải chú ý rèn luyện sức khỏe như tập thể dục hàng ngày, bơi lội, khiêu vũ, đi bộ, hít thở không khí trong lành…
Trứng rụng và tinh trùng khỏe mạnh là điều kiện cần thiết để thụ thai.
Mỗi 1 sinh mệnh mới đều được kết hợp giữa tế bào trứng của người mẹ và tế bào tinh trùng của người bố.
Hệ thống sinh sản bình thường của phụ nữ được cấu thành bởi buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo…
Buồng trứng sản sinh ra trứng và tiết ra hormone sinh dục nữ, trong buồng trứng có chứa khoảng 4- 5 triệu trứng, sau đó giảm dần. Đến tuổi dậy thì, trong buồng trứng chỉ còn lại 500.000 trứng. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt có khoảng từ 10- 100 trứng bắt đầu phát triển. Nhưng khi rụng trứng, thường chỉ có 1 trứng có thể hoàn toàn trưởng thành và kết hợp được với tinh trùng.
Ống dẫn trứng là 2 đường ống có tính đàn hồi gấp khúc và rỗng, 1 đầu nối với 2 cạnh của đáy tử cung, đầu kia như hình cái ô nằm gần buồng trứng, gọi là loa vòi. Khi trứng rụng từ buồng trứng ra, rơi rất nhanh vào ống dẫn trứng. Trứng sẽ theo ống dẫn trứng vào tử cung. Nếu lúc đó giao hợp, tinh trùng từ âm đạo qua cổ tử cung, vào tử cung di chuyển vào ống dẫn trứng và bơi về phía trứng. Thông thường, trứng và tinh trùng kết hợp ngoài ống dẫn trứng. Sau đó, trứng thụ tinh mất khoảng 7 ngày mới có thể vào được tử cung. Sau khi trứng thụ tinh vào trong niêm mạc tử cung sẽ không ngừng phát triển và trở thành 1 thai nhi.
Vợ chồng muốn sinh con, trước tiên phải chuẩn bị điều kiện kết hợp cơ bản là lúc trứng rụng và tinh trùng khỏe mạnh.
Sinh con trai hay con gái đều tốt cả.
Tâm lý trước khi mang thai thường bị đa số các cặp vợ chồng coi nhẹ. Họ chỉ chuẩn bị sức khỏe và kiến thức y học, trong khi đó chuẩn bị tâm lý lại vô cùng quan trọng.
Mang thai, đối với các cặp vợ chồng trẻ là 1 chuyển biến khá lớn, là 1 bước ngoặt về tình cảm. Trong thế giới 2 người sẽ biến thành thế giới của 3 người, đa số các cặp vợ chồng ngoài vui mừng còn có không ít lo lắng.
Vì thế, các cặp vợ chồng nên có con vào lúc tâm lý ổn định nhất. Nếu gia đình hoặc bản thân có vấn đề gì thì nên tạm hoãn kế hoạch có thai.
Vào đầu thai kỳ, người vợ vì có thay đổi về sinh lý nên có rất nhiều thay đổi về hành vi và tâm lý. Người chồng nên có sự chuẩn bị trước để có sự thông cảm và quan tâm đối với vợ, như vậy sẽ rất tốt cho sự phát triển tính cách của đứa con sau này.
Ở nước ta còn có những quan niệm phong kiến, lạc hậu, 1 số cặp vợ chồng vì muốn sinh con trai hay con gái đã trở thành áp lực tư tưởng cho việc chuẩn bị mang thai. Vấn đề này cần tuyệt đối không để ảnh hưởng đến thai phụ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách sau này của con cái.
Nên chuẩn bị mọi thứ tốt cho em bé sắp chào đời.
Mang thai và sinh con tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu kinh tế. Sau khi đứa con sinh ra, vợ chồng sẽ phải đối mặt với 1 loạt vấn đề như nuôi con, việc học hành, ốm đau của con cái…
Trước tiên, phải có sự chuẩn bị nhất định về kinh tế cho việc mang thai, sinh con và nuôi con. Nếu người vợ đi làm thì nguồn thu nhập trong thời gian mang thai và sinh con sẽ bị giảm đi, thậm chí toàn bộ nguồn kinh tế đều dựa vào người chồng, do đó phải có kế hoạch hợp lý các loại chi tiêu để tránh rơi vào tình trạng khó khăn.
Ngoài ra, nên cải thiện và sửa sang chỗ ở để thai phụ cảm thấy thoải mái, tâm trạng vui vẻ. Như treo 1 bức tranh trẻ em đáng yêu, bụ bẫm, bày 1 vài con thú bông ngộ nghĩnh, mua 1 vài con búp bê… Thực ra, đây cũng là để chuẩn bị cho đứa con sắp sinh ra. Còn có thể nghe nhiều nhạc trữ tình, những bài hát thiếu nhi.
Thai phụ cũng cần chuẩn bị 1 số đồ dùng hàng ngày và quần áo của cả mẹ và con.
0 comments:
Post a Comment