Wednesday, August 14, 2013

Các dấu hiệu thường gặp khi mang thai 3 tháng đầu

Ba tháng đầu thai kỳ đối với những thai phụ sinh con so thật lạ lẫm và đầy lo âu. Nghén, thèm hoặc kén ăn là những trải nghiệm của hầu hết thai phụ nhưng không giống nhau ở mỗi người. Những triệu chứng sau đây là phổ biến nhất trong “tam cá nguyệt” đầu của thai kỳ.

Ốm nghén

Có đến 85% các bà mẹ tương lai trải qua các cơn buồn nôn và nôn mửa. Nguyên nhân gây ra triệu chứng này không rõ ràng, nhưng hóc-môn thai kỳ chorionic gonadotropin được cho là thủ phạm chính. Khi cơ thể có càng nhiều chất này, cảm giác buồn nôn của bạn sẽ tăng lên. Và đó không hẳn là một dấu hiệu tồi tệ bởi một số chuyện gia cho rằng mẹ càng hay nôn nao thì càng ít nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
Những cách sau có thể giúp bạn giảm thiểu ốm nghén cho đến khi chúng biến mất sau 3 tháng đầu:

- Ăn bữa nhỏ trong suốt cả ngày. Ăn thành nhiều bữa nhỏ có thể làm dịu bao tử và giữ cho bụng của bạn luôn đầy (các cơn buồn nôn sẽ tệ hơn khi bụng rỗng). Trong khi bạn có xu hướng chọn những món ăn lành, các chuyên gia lại khuyên bạn nên thoải mái ăn bất kỳ món gì mà bạn thèm, miễn là nó có lợi cho sức khỏe, và cũng không có vấn đề gì nếu bạn chỉ ăn một món khoái khẩu nào đó trong vài ngày.

- Dùng thêm gừng. Gừng có thể làm dịu sự khó chịu của bao tử, vì vậy hãy thêm một chút gừng vào trà hoặc nước ép trái cây của bạn.

- Vitamin B6. Bổ sung vitamin này có thể khiến bạn mau đói hơn. Hãy hỏi bác sỹ về liều lượng sử dụng phù hợp.

Thèm và kén ăn
Bổ sung chất bằng các món thay thế dễ ăn

Bổ sung chất bằng các món thay thế dễ ăn. 
Sự ham thích với loại thức ăn nào đó hoặc đặc biệt ghét bỏ với những thức ăn khác thường có liên quan đến chứng ốm nghén. Sự thèm và ác cảm này có thể không đoán trước được, nhưng có đến 80% thai phụ gặp triệu chứng thèm ăn và đến 85% thai phụ cho biết họ không thể nuốt nổi một số món nào đó. Liệu có nên nuông chiều sự thèm ăn và kén ăn của mình hay không? Điều đó còn tùy.

Nếu sự thèm ăn của bạn là lành mạnh, không ngấu nghiến hàng túi khoai chiên hoặc cả nửa lít kem một lúc, bạn cứ yên tâm chiều chuộng cơn thèm của mình. Một nguyên tắc tốt: hạn chế mỗi khẩu phần tự đãi bản thân trong khoảng 75-100 ca-lo. Đối với những món không thể nuốt trôi, hãy thử thay thế bằng món khác để bổ sung chất:

- Nếu bạn không thể uống sữa, hãy thay thế bằng phô-mai ít béo hoặc sữa chua và cố trộn lẫn sữa vào nước sốt, súp, bột ngũ cốc hoặc bánh.

- Nếu bạn không thể ăn được rau xanh, hãy nhóp nhép các loại trái cây giàu beta-caroten như xoài, mơ và dưa đỏ.

- Nếu món thịt khước từ bạn, hãy thay bằng đậu, Bạn cũng có thể chế biến thịt bò, gà ẩn trong các món sốt, súp hoặc món hầm.

Nhạy cảm với mùi hương

Nhiều phụ nữ khẳng định khứu giác của mình đặc biệt nhạy khi mang thai. Một giả thiết cho rằng điều này giúp bạn tránh xa khỏi các loại thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn và chất độc tự nhiên có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi trong giai đoạn phát triển quan trọng. Giác quan quá nhạy cảm này thường dịu đi sau vài tháng.

Mệt mỏi

Luôn cảm thấy mệt mỏi trong cả ngày dài là một trong những tác dụng phụ của thai kỳ. Cơ thể của bạn đang phải vận hành quá tải để thúc đẩy sự tăng trưởng của bé. Tử cung của bạn đang sản xuất progesterone – được cho là có tác dụng an thần, và lưu lượng máu tăng 50% để cung cấp máu cho thai nhi.

Một thủ phạm ẩn mặt cho sự mệt mỏi quá mức là chứng thiếu máu. Bổ sung chất sắt là rất cần thiết để tạo nên các tế bào máu cho bé, và nếu bạn không đủ chất sắt, em bé sẽ lấy những gì bé cần từ cơ thể bạn và làm bạn kiệt sức. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu khi bạn đi khám thai lần đầu để kiểm tra lượng chất sắt; nếu bạn thiếu sắt, bác sĩ sẽ có thể kê toa bổ sung.

Bạn cũng có thể chống chọi với sự mệt mỏi với những cách sau:

- Vận động cả khi bạn chỉ muốn nằm lì trên giường, hãy cố đi lại một chút để giãn gân cốt. Cố gắng thực hiện vài đợt tập luyện khoảng 20 phút mỗi tuần sẽ giúp bạn đỡ mệt hơn.

- Bồ sung vitamin thai kỳ giúp bạn lấp đầy những thiếu hụt dinh dưỡng nếu chế độ ăn không đáp ứng được và đồng thời cung cấp sắt giúp bạn tránh được thiếu máu do thiếu sắt.

- Tranh thủ ngủ. Hãy đi ngủ sớm hơn, thức dậy muộn hơn và ngủ ngắn khi có thể. Nếu bạn phải làm việc cả ngày, hãy dành 15 phút ngủ ngắn tại bàn làm việc của mình.


Hãy dành nhiều thời gian cho giấc ngủ hơn
Hãy dành nhiều thời gian cho giấc ngủ hơn. Ảnh: Inmagine.
Tiểu tiện nhiều

Ngay cả khi bạn chưa thấy bụng, tử cung bạn vẫn đang “bành trướng” và gây chèn ép lên bàng quang vốn không bao giờ rỗng hoàn toàn. Thêm vào đó, thận cũng làm việc tích cực hơn để tống chất thải ra khỏi cơ thể bạn. Kết quả là: nhu cầu tiểu tiện trở nên thường xuyên hơn, suốt cả ngày lẫn đêm. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên uống ít nước hơn, và cũng không được nhịn tiểu – vì như thế sẽ có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu. Để hạn chế số lần phải trở dậy tiểu tiện vào ban đêm, đừng uống nước trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, loại trừ thức uống chứa cafein vào buổi tối (do cafein gây kích thích bàng quang) và nhớ đi tiểu trước khi tắt đèn đi ngủ

Mụn nhọt

Bạn có thể bị nổi mụn do các nội tiết tố hoạt động quá mức, khiến cho da sản sinh nhiều chất dầu hơn. Mụn có thể biến mất sau thời gian mang thai, nhưng ngay từ lúc này bạn cũng có thể kiểm soát chúng theo những cách sau:

- Không sờ mó và cọ xát da. Sử dụng các loại sản phẩm vệ sinh dưỡng ẩm để tránh làm khô da quá mức.

- Chuyển sang dùng kem dưỡng không chứa dầu. Chẳng có lý do gì để thêm dầu cho làn da đang quá nhờn của bạn cả.


- Xem kỹ nhãn sản phẩm. Axit glycolic được chấp nhận, nhưng những sản phẩm chứa benzoyl peroxide, axit salicylic, retinols, hoặc steroid cần loại bỏ vì những chất này có thể gây nên các dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Khó thở

Thai phụ thực sự hít thở sâu hơn, và cũng hấp thụ oxy vào máu tốt hơn. Cả khi bạn lấy vào rất nhiều không khí, cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy khó thở, một phần vì em bé đang trao đổi CO2 trở lại cơ thể bạn.

Đau đầu

Đường huyết thấp (kết quả của sự trao đổi chất), nội tiết tố tăng và lưu lượng máu lên não giảm có thể gây ra những cơn đau đầu tồi tệ cho các bà mẹ tương lai. Nếu bạn bị đau đầu, hãy thử chườm nóng hoặc lạnh, day nhẹ thái dương hoặc hít thở không khi trong lành. Nếu những cách trên không hiệu quả, thuốc acetaminophen được xem là an toàn cho thai phụ. Nếu bạn bị đau nửa đầu, hãy đến gặp bác sĩ.

Khô mắt & thay đổi thị lực

Với sự gia tăng lưu thông máu, cả cơ thể bạn có vẻ như căng phồng lên, và điều này xảy ra với cả mắt của bạn. Giác mạc mắt trở nên dày và cong hơn, khiến khúc xạ hình ảnh thay đổi. Đối với những người sử dụng kính áp tròng, bạn có thể gặp vấn đề do sự tiếp xúc giữa mắt và kính. Và ngay cả với những thai phụ sử dụng kính đeo, thỉnh thoảng thị lực của bạn cũng không tốt lắm. Thậm chí khi thị lực không thay đổi, mắt bạn cũng có xu hướng khô hơn do biến động nội tiết tố. Bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt để làm trơn mắt, và nếu cần hãy ghé bác sĩ nhãn khoa để điều chỉnh kính cho mình.

Căng tức bầu ngực

Mặc dù em bé của bạn mới chỉ bằng kích cỡ của một dấu phẩy, bầu ngực của bạn đã sẵn sàng để nuôi dưỡng bé. Sự thay đổi nội tiết và tăng trưởng các tuyến sữa thường diễn ra vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, nó khiến ngực bạn căng tức và nhạy cảm hơn. Để làm dịu cảm giác đau:

- Mua những chiếc áo ngực rộng hơn với nhiều hàng móc cài sau để điều chỉnh kích cỡ (đừng phí tiền vào những chiếc áo cài trước).

- Chọn áo bằng vải thô mềm như áo ngủ nếu cơn đau làm bạn không thể nghỉ ngơi được – điều này cũng giúp làm dịu cơn đau ngực.

 Thay đổi ham muốn tình dục

Sự gia tăng nội tiết tố và lưu lượng máu có thể tác động đến âm đạo và âm vật của bạn, khiến chúng mềm mại và nhạy cảm hơn. Với một số phụ nữ, điều đó đồng nghĩa với ham muốn tình dục ở mức cao trào, với khả năng đạt cực khoái nhiều và mạnh mẽ hơn. Với một số khác, tình dục trở nên quyến rũ một cách lạ kỳ.

Bất kể bạn cảm thấy thế nào, điều đó cũng đều ổn. Tuy nhiên, hãy giúp người bạn đời hiểu và hòa hợp với những thay đổi của bạn để khiến anh ấy không cảm thấy bối rối, lạc lõng và có cảm giác bị khước từ. Luôn nhớ rằng, hai bạn cần tiếp xúc thể xác nhiều hơn là giao hợp; hãy ấp ủ, đụng chạm và cọ xát nhau như là cách để giữ mối liên hệ gần gũi với nhau.

Tâm trạng thất thường

Nội tiết tố, những giấc ngủ không tròn, thực tại của việc mang thai – tất cả những điều này đều góp phần tạo nên sự xáo trộn mãnh liệt của cảm xúc. Bạn có thể cảm thấy thật yên lặng và muốn thu mình lại, hoặc sốc nổi, lo lắng, giận dữ hoặc muốn khóc, hoặc may mắn hay là hạnh phúc – và tất cả cảm xúc này đều tốt. Tất nhiên, tốt nhất là bạn có thể kiểm soát tâm trạng của mình (người thân của bạn sẽ rất biết ơn bạn đấy). Mọi người có thể giúp gì được cho bạn? Hãy tìm sự chia sẻ và cảm thông từ bạn bè, đặc biệt là những bà mẹ đang mang thai, cả trên mạng hoặc ngoài đời.

Kết luận

“Tam cá nguyệt” đầu tiên của bạn thật thú vị và cả hơi chút sợ hãi. Những thay đổi của cơ thể gây ra những triệu chứng khác nhau của thai kỳ, đồng thời cũng khiến cảm xúc của bạn thăng trầm cùng những chuyển biến đó. Cố gắng đừng lo lắng quá mức, và đừng ngần ngại tham vấn bác sĩ ngay khi bạn có khúc mắc về những gì mình đang trải qua.

0 comments:

Post a Comment