Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều bà mẹ khi lần đầu mang thai, khám thai vào thời điểm nào và các mốc ra sao để theo dõi tình trạng thai nhi được tốt nhất?
Theo các bác sỹ, không nên siêu âm quá nhiều trong thời kỳ mang thai, dễ ảnh hưởng tới thai nhi nhưng có một số mốc quan trọng thì các sản phụ không nên bỏ qua:
Đi khám lần đầu tiên: Sau khi chậm kinh khoảng 1 tháng
Lúc này, thai đã hình thành được khoảng 6 – 7 tuần, bắt đầu đi vào tử cung và “làm tổ” nên để xác định chính xác xem bạn đã mang thai hay chưa (ngoài phương pháp dùng que thử) thì nên đi siêu âm ở thời điểm này. Kết quả siêu âm cũng cho bạn biết chính xác tuổi thai và ngày dự kiến sẽ sinh em bé.
Siêu âm lần đầu này cũng sẽ giúp bạn xác định được một số bất thường xảy ra (như thai không vào trong tử cung) để bác sỹ có hướng can thiệp sớm mà không làm ảnh hưởng tới cả mẹ và bé.
Cũng trong lần khám này, bạn nên khám luôn cả phụ khoa để nếu có viêm nhiễm gì thì có hướng điều trị luôn, không để ảnh hưởng sau này.
Trong lần siêu âm này, bạn chỉ có thể siêu âm 2D được thôi nhưng đã có thể biết được kích thước của em bé cũng như nghe được tim thai rồi đấy!
Bạn có thể bắt đầu uống vitamin tổng hợp theo liều chỉ định của bác sỹ sau khi khám xong.
Khám thai thường xuyên để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.
Lần khám thứ 2: Tuần thai thứ 11 – 12
Bắt đầu đi siêu âm 4D lần đầu tiên, đây là lần khám thai vô cùng quan trọng bởi vì bác sỹ đã có thể xác định rõ sự phát triển và trọng lượng cơ thể của trẻ.
Việc siêu âm 4D sẽ giúp bác sỹ xác định được khoảng sáng sau gáy, xem bé có nguy cơ mắc bệnh Down hay không. Nếu để qua tuần thứ 12, bước sang tuần thứ 13 thì chỉ số không chính xác và không còn giá trị nữa.
Sau lần khám thai này, bạn có thể bắt đầu uống sữa bầu, sữa tươi hoặc sữa đậu nành để bổ sung canxi cho con.
Lần khám thứ 3: Tuần thai thứ 15 – 17
Khi đến ngưỡng này, bạn sẽ phải thực hiện kiểm tra Triple Test để xác định nguy cơ trẻ mắc bệnh Down, dị tật ống thần kinh…
Để thực hiện kiểm tra này, bạn sẽ phải thực hiện ở bệnh viện Đại học Y Hà nội (Đường Tôn Thất Tùng) hoặc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Viện C).
Làm các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện dị tật sớm.
Lần khám thứ 4: Tuần thai thứ 22 – 24
Đến giai đoạn này, giới tính của thai nhi đã có thể được phát hiện chính xác. Lần khám thai này, việc siêu âm nhằm xác định các dị tật bẩm sinh của em bé, chủ yếu là về tim và xương.
Nếu thiếu sắt hay canxi, bạn sẽ được bác sỹ chỉ định uống bổ sung ngay.
Đến khi thai được khoảng 26 – 28 tuần, bạn có thể đi tiêm phòng theo chỉ định của bác sỹ.
Lần khám thứ 5: Tuần thai thứ 30 – 32
Đi siêu âm và kiểm tra lần cuối cùng trước khi chuẩn bị sinh.
Từ tuần thai thứ 36
Bạn có thể đến bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết, bổ sung vào hồ sơ đăng ký đẻ tại viện đó.
Lúc này, bạn có thể chọn bệnh viện để đẻ, đăng ký hồ sơ và đi làm các xét nghiệm theo yêu cầu để sẵn sang lúc “lâm bồn”.
Từ tuần này trở đi, bạn sẽ phải đi khám thai thường xuyên hơn, mỗi tuần 1 lần cho tới khi sinh.
Mang thai, ai cũng mong con được khỏe mạnh, bình yên, chính vì vậy việc theo dõi quá trình thai nhi phát triển theo các dấu mốc chính xác là điều vô cùng quan trọng. Tốt nhất là bạn nên theo 1 bác sỹ duy nhất, để bác sỹ theo dõi được chính xác nhất tiến trình thai nhi phát triển.
Hãy luôn ghi nhớ
Khám thai định kỳ giúp bạn:
- Phát hiện bệnh tật của mẹ khi mang thai
- Phát hiện dị tật, bất thường của thai nhi
- Theo dõi sự phát triển của thai nhi
- Xác định cơ thể của mẹ và thai nhi có thích nghi với nhau hay không
- Điều chỉnh chế độ ăn uống của thai phụ
- Xác định khoảng thời gian sinh con
0 comments:
Post a Comment